Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Chuyên gia nước ngoài chê thị trường điện Việt Nam nửa vời

Dù Cục Điều tiết Điện lực khẳng định cần có lộ trình từng bước, song một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, việc Chính phủ kiểm soát giá điện sẽ khiến thị trường khó hình thành.

"Để thị trường điện phát triển minh bạch, các bên tham gia phải được quyền tự quyết định giá cả. Sẽ rất nguy hiểm nếu để thị trường điện Việt Nam phát triển nửa vời như hiện nay”, ông Per Christer Lund, chuyên gia thuộc Công ty tư vấn năng lượng DNVGL nhận định tại hội thảo Việt Nam - Na Uy về thủy điện và cải cách thị trường ngày 19/3.

Theo lộ trình, thị trường điện Việt Nam sẽ được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ. Phát điện cạnh tranh (2005-2014), bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và bán lẻ cạnh tranh (sau 2022). Hiện Việt Nam ở bước cuối cùng của thị trường phát điện cạnh tranh và sắp sang giai đoạn bán buôn cạnh tranh.

Ông Per Christer Lund nhận định việc ngành điện vẫn phải xin ý kiến các bộ ngành trước khi điều chỉnh giá là chưa ổn. Ông phân tích, đã là thị trường, dù ở cấp độ nào, giá cả phải do các bên tham gia quyết định, với thông tin minh bạch. “Không nên áp giá cố định cho nguồn cung, chỉ những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng phức tạp mới cần sự can thiệp của Chính phủ”, ông giải thích. Do đó, theo ông Per Christer Lund, việc cần làm là Việt Nam phải minh bạch giá cả đồng thời bỏ qua cơ chế đấu thầu mang nặng thủ tục hành chính.

evn-1-6786-1395226400.jpg
Thị trường điện Việt Nam bị chê nửa vời.

Trước ý kiến của chuyên gia nước ngoài, ông Phạm Quang Huy, Trưởng phòng phát triển điện, Cục Điều tiết điện lực cho rằng, bản thân Bộ Công Thương hiểu rất rõ điều đó. Tuy nhiên, lộ trình phát triển thị trường điện cần phải từ từ, từng bước.

Theo ông Huy, trước 2008, điện lực tổ chức theo ngành dọc trong đó EVN chiếm 71% thị phần phát điện. Sau đó, Việt Nam đã bắt đầu thành lập các công ty mua bán điện trực thuộc EVN với mục tiêu sau này hoạt động độc lập. Thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu từ 1/7/2011 để cung cấp điện với giá ổn định, thu hút đầu tư và tăng sức cạnh tranh, minh bạch các hoạt động điện lực. Những nhà máy thủy điện có công suất trên 30 MW phải đấu thầu.

“Thị trường phát điện cạnh tranh đã cải thiện sự minh bạch trong huy động phát điện, giá phát điện cũng đã phản ảnh về chi phí phát điện và nhu cầu theo giờ”, ông Huy khẳng định.
Nhu cầu tăng trưởng điện của Việt Nam khoảng 15%, do vậy, theo các chuyên gia, Nhà nước cần phải điều tiết và thực hiện theo hướng phát triển bền vững. Giá điện phải do thị trường quyết định và người dân chấp nhận “luật chơi”. Đơn cử, giá điện của Na Uy bán cho các hộ gia đình trung bình khoảng 35,6 nok mỗi kwh, tương đương với gần 6 USD, cao hơn nhiều so với Việt Nam.

Ông E.Kirkeby Garber Giám đốc quốc gia của SN Power VN (công ty hàng đầu của Na Uy trong ngành công nghiệp năng lượng) cho rằng, kinh nghiệm tại một số nước cho thấy, khi hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, khách hàng sẵn sàng trả giá cao. Nhờ vậy, ngành điện có thể thu hút được đầu tư và phát triển mà không cần trợ cấp từ Chính phủ.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét tới năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 14.000MW hiện nay lên 21.300MW vào năm 2020.

Ông E.Kirkeby Garber nhìn nhận, mục tiêu tăng công suất gấp 1,5 vào năm 2020 là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần đẩy nhanh thị trường điện cạnh tranh thay vì kế hoạch 10 năm như hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng, khi hình thành thị trường điện, Việt Nam cần có sự liên kết với các nước trong khu vực, đồng thời đặt mục tiêu là một đầu mối bán buôn cho các nước trong khu vực và có lưới điện liên kết toàn Đông Nam Á. Nguyên tắc tham gia thị trường điện là sự bình đẳng giữa các công ty điện, giá cả rõ ràng và hợp đồng chặt chẽ.

Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, Việt Nam đang từng bước phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Tỷ trọng thủy điện trong cơ cấu nguồn của Việt Nam hiện nay tương đối lớn lên tới khoảng 40% và dự kiến đạt tương ứng khoảng 36% và 25% vào các năm 2015 và 2020. Vì vậy, công tác vận hành hệ thống điện sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức liên quan tới công tác quản lý, vận hành. Thứ trưởng Hưng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của chuyên gia từ đó phát triển ngành điện của Việt Nam.
Hoàng Lan/ Vnexpress.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét